Xét xử Vụ án Vạn Thịnh Phát

Giai đoạn 1

Những ngày xét xử đầu tiên

Trong ngày đầu tiên xét xử, ngày 5 tháng 3 năm 2024, phiên tòa xoay quanh kiểm tra lý lịch của 86 bị cáo với sự tham gia của khoảng 200 luật sư tham gia bào chữa.[30] Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản – Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng 10 công tố viên từ Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công.[28] An ninh xoay quanh phiên tòa cũng được siết chặt. Trong số 86 người bị khởi tố, chỉ có 79 người có mặt tại phiên tòa với 5 người đang bị truy nã và được xét xử vắng mặt, 2 người còn lại xin xét xử vắng mặt vì vấn đề sức khỏe.[30] Trong đó, Đinh Văn Thành – người xét xử vắng mặt vào năm 2020 đã xin từ chức và ra nước ngoài từ đó. Ngoài ra còn có Nguyễn Thị Thu Sương, Trầm Thích Tồn, Chiêm Minh Dũng, Nguyễn Lâm Anh Vũ cũng xét xử vắng mặt và đang bị Bộ Công an Việt Nam truy nã.[31] Riêng, Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang và Công ty cổ phần Tập đoàn Capella đã bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.[30] Ông là người duy nhất trong phiên tòa không phải là đồng phạm của bà Lan. Theo cáo trạng, ông đã lợi dụng việc bà Lan bị bắt để chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng từ SCB. Từ phiên tòa thứ hai, ông Trí được xét xử vắng mặt trong trại tạm giam do tình hình sức khỏe.[32] Tòa án đã triệu tập tổng cộng hơn 2.400 người có liên quan trong quá trình diễn ra vụ án.[33] Trong lúc xét xử, cảnh sát địa phương cũng cho phép hàng trăm người biểu tình bên ngoài tòa án.[34]

Trong các ngày thứ 3–4 xét xử, phiên tòa chủ yếu xoay quanh việc hối lộ, nhận hối lộ của các cán bộ SCB với Đỗ Thị Nhàn và các cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các thẩm định viên trong các công ty liên kết với Vạn Thịnh Phát.[20][35] Trong phiên tòa, bà Lan đã xin phép Hội đồng xét xử (HĐXX) cho con gái mình là Chu Diệp Phấn đòi lại tiền từ những người nợ bà Lan để khắc phục hậu quả.[35] Bà cũng yêu cầu tòa án xác nhận đơn "thu hồi nợ", tuy nhiên, phía tòa án bác bỏ vì không thuộc trách nhiệm của mình.[20] Ngoài ra, Chu Lập Cơ – chồng bà Trương Mỹ Lan khai nhận mình làm "theo chỉ đạo" của vợ, ông được cho là đã gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng cho SCB. Đến ngày thứ 4 diễn ra xét xử, ông đã khắc phục hậu quả 1 tỷ đồng.[20] Trong các ngày xét xử sau đó, Trương Mỹ Lan bác bỏ việc mình sở hữu những công ty khác và khẳng định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ có 5–6 công ty con và các công ty này chỉ đi vay tiền nước ngoài, chứ không vay tiền ở Việt Nam. Bà cũng khẳng định mình không hề quen biết đến Nhàn và các thẩm định gia khác. Trong khi đó, các cựu lãnh đạo tại SCB như Trương Khánh Hoàn, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung... lại cho rằng bà nắm quyền chi phối SCB và ký các quyết định theo chỉ đạo của bà.[36] Mặc dù vậy, bà Lan vẫn từ chối bản thân đứng đầu và là người chi phối SCB, tuy nhiên bà lại cam kết đưa tài sản của mình bao gồm 649 tài sản (bao gồm cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản...) của mình để cho SCB khắc phục hậu quả, bà gọi việc này là "cho SCB mượn tài sản để giải quyết vấn đề tài chính".[37] Khi HĐXX kê biên các tài sản của mình, bà Lan yêu cầu loại bỏ căn biệt thự cổ ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để "bảo tồn cho di tích Việt Nam". Riêng khách sạn Daewoo Hà Nội, con bà Lan đã đề nghị bán khách sạn này để khắc phục hậu quả.[38]

Luận tội và bào chữa

Đến ngày 19 tháng 3, sau 9 ngày xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án tử hình với 3 tội danh theo cáo trạng ban đầu. Tuy nhiên, bà Lan được cho là vẫn "chối tội, đổ lỗi cho nhân viên". Viện Kiểm sát cho rằng, "Tại tòa, bị cáo Lan quanh co, chối tội, không tỏ ra ăn năn; đổi lỗi cho nhân viên, các bị cáo tại SCB. Hậu quả vụ đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi. Vì vậy, cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội". Đồng thời, bà Lan cũng bị yêu cầu bồi thường 677.000 tỷ đồng và lãi phát sinh. Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng và Đỗ Thị Nhàn bị luận tội và đề nghị mức án chung thân; 19–20 năm tù cho Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và Trương Huệ Vân; Chu Lập Cơ với mức án 11–12 năm tù. Các bị cáo còn lại được hưởng mức án từ án treo cho đến 12 năm tù.[39] Sau khi bị luận tội, bà Lan cho biết bản thân "đau xót" khi bị xem là "quanh co, chối tội" và "đổ tội cho cấp dưới".[40] Bà vẫn phủ nhận mọi cáo buộc trong suốt quá trình xét xử.[10] Luật sư của bà Lan yêu cầu tòa án xem xét lại tội danh "tham ô tài sản" của bà và thiệt hại của vụ án.[40] Trong phiên tòa sáng ngày 21 tháng 3, bà Lan yêu cầu HĐXX xem xét 1.650 tỷ đồng bao gồm 1.000 tỷ đồng của ông Nguyễn Cao Trí và 650 tỷ đồng của các cá nhân khác trả cho bà để khắc phục hậu quả. Bà đề nghị dùng số tiền này khắc phục cho Trương Huệ Vân là 1.350 tỷ đồng và Chu Lập Cơ là 300 tỷ đồng.[41] Trong những ngày sau đó, các luật sư và HĐXX tiếp tục tranh luận và thực hiện quyền bào chữa cho các bị cáo có liên quan đến Ngân hàng SCB. Các bị cáo cũng bắt đầu biện hộ để yêu cầu giảm nhẹ mức án.[42] Trong quá trình tranh luận và yêu cầu khắc phục hậu quả để giảm nhẹ bản án, con gái bà Lan là Chu Duyệt Phấn đã yêu cầu bán tòa nhà Capital Place trị giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tòa nhà đang bị thế chấp cho khoản vay 200 triệu USD bởi 4 ngân hàng với đại diện là Ngân hàng HSBC (Hồng Kông), Ngân hàng OCBC Bank (Singapore) phản đối việc bán tòa nhà ngay tại tòa án. Đại diện của 4 ngân hàng cho biết rằng khoản vay vẫn chưa được tất toán hoàn toàn, thế chấp cũng bao gồm quyền sở hữu tòa nhà này và thời gian đáo hạn vào ngày 30 tháng 4 năm 2024.[43] Sau đó, HĐXX yêu cầu, sau khi thực hiện bán xong phải trả nợ cho 4 ngân hàng có liên quan, số tiền còn lại sau khi bán được sử dụng để khắc phục hậu quả.[44]

Đến ngày 1 tháng 4, Viện Kiểm sát (VKS) trả lời bào chữa từ phía các luật sư, VKS cho biết việc xem xét thiệt hại trong vụ án không được cơ quan này căn cứ vào giám định của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân mà dựa vào lời khai cũng như chứng cứ trong hồ sơ để xác định con số thiệt hại là 667.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do SCB cũng đang nắm giữ nhiều tài sản của bà Lan nên VKS đã lấy số tiền thiệt hại trừ đi tài sản đảm bảo.[45] Về việc xem xét lại tội danh "tham ô tài sản" của bà Lan, VKS cho rằng theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã có quy định về tội danh tham ô đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, như vậy, các sai phạm sau thời điểm này đã vi phạm vào tội danh "tham ô tài sản". Trong khi đó, vụ việc xảy ra kéo dài 10 năm từ năm 2012 đến năm 2022, tức từ năm 2018 đến năm 2022 đã đủ cơ sở để căn cứ có tội.[45][46] Phía luật sư tiếp tục bào chữa cho rằng, Hội đồng quản trị của SCB mới là người quyết định hoạt động của Ngân hàng này chứ không phải bà Trương Mỹ Lan là chủ thể của tội danh tham ô. Tuy nhiên, phía VSK cho rằng, theo các căn cứ bà Lan đã sở hữu 65% cổ phần SCB trước khi hợp nhất 3 ngân hàng và có quyền quyết định gần 30% cổ phần SCB do 5 công ty nước ngoài đứng tên sở hữu. Ngoài ra, theo lời khai Tạ Chiêu Trung, tiền mua cổ phần của ông được lấy từ bà và Vạn Thịnh Phát. VKS khẳng định, bà Lan "không phải chủ thể tội tham ô tài sản là không có căn cứ chấp nhận".[45]

Ngoài ra, trong lúc bào chữa, luật sư biện hộ cho bà Trương Mỹ Lan – Phan Trung Hoài cho hay, gia đình bà Trương Mỹ Lan đã liên hệ với Quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn CK Asset Holdings Limited (Hồng Kông) của Lý Gia Thành sáng lập với mong muốn khắc phục hậu quả tại Ngân hàng SCB. Ông cũng đã trình bày với HĐXX văn bản mà CEO Justin Chiu gửi đến.[47] Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa sau đã đã bác bỏ văn bản của luật sư do "văn bản chưa được hợp pháp hóa lãnh sự". Ngoài ra, tòa án cũng yêu cầu luật sư không đề cập đến văn bản này để "tránh hiểu nhầm" và "truyền thông sai".[48] Trước đó vào ngày 27 tháng 3, trước khi luật sư biện hộ cho bà Lan về văn bản, Justin Chiu đã viết lá thư gửi đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng mình có "tình cảm tốt đẹp dành cho bà Trương Mỹ Lan".[49] Lá thư này sau đó được cho là nhằm "xin" giảm án cho bà Lan.[50] Nội dung chi tiết trong lá thư được cho là kể về việc bà Lan có nhiều quan hệ quốc tế có khả năng khắc phục hậu quả vụ án và bà là cầu nối giúp các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như triển khai đầu tư các dự án quan trọng trên thành phố. HĐXX sau đó cũng khẳng định, lá thư "không đưa ra được cơ sở căn cứ về khả năng khắc phục hậu quả dự án" nên cũng "không xem xét các đề xuất" mà ông CEO Justin Chiu gửi đến nhằm giảm án cho bà Lan.[50]

Tuyên án

Sau hơn một tháng xét xử, nhanh hơn kế hoạch ban đầu 2,5 tuần,[lower-alpha 3] chiều ngày 11 tháng 4, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan tử hình về tội "Tham ô tài sản"; 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" với tổng hình phạt chung là tử hình. Đồng thời, HĐXX yêu cầu bà phải bồi thường thiệt hại mà mình đã chiếm đoạt từ SCB là 677.000 tỷ đồng, tuy nhiên, do đã khắc phục hậu quả nên còn 673.800 tỷ đồng.[46] Bốn đối tượng khác bị tuyên phạt chung thân bao gồm: Bùi Anh Dũng, Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn và Đỗ Thị Nhàn. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.[51] Sau khi bị tuyên án, Trương Mỹ Lan là người đầu tiên bị xét xử và đề nghị mức án tử hình đối với tội danh tham ô tài sản đối với doanh nghiêp, tổ chức ngoài nhà nước từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) bắt đầu có hiệu lực.[52] Ngoài ra, mỗi bị cáo trong vụ án đều phải chịu thêm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, đối với bà Lan phải chịu thêm gần 674 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.[53] Trả lời với Reuters với điều kiện giấu tên, một thành viên trong gia tộc bà Lan cho rằng, "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để xem mình có thể làm được gì". Luật sư Nguyễn Huy Thiệp của bà Lan cũng khẳng định, sẽ tiếp tục "kháng bản án".[54]

Đến ngày 26 tháng 4, Trương Mỹ Lan đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bà khẳng định bản thân có tham gia vào quá trình tái cơ cấu Ngân hàng SCB, tuy nhiên, bản thân không hề chiếm đoạt tiền từ ngân hàng. Nhiều bị cáo khác cũng tương tự có đơn kháng cáo.[55]

Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 của vụ án được cho là có liên quan đến các trái phiếu của doanh nghiệp.[56][29] Trước khi xét xử giai đoạn 2, Hội đồng xét xử đã yêu cầu Cơ quan chức năng làm rõ 8 kiến nghị để phục xét xử, bao gồm: Làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD mà tài xế riêng bà Lan chở từ Ngân hàng SCB về tòa nhà Sherwood; Điều tra, truy hồi dòng tiền của 3 người đã qua đời trong quá trình diễn ra vụ án; Nhà nước phải có giải pháp và thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng; Chính phủ, các bộ, ngành kiểm soát thành lập, quản lý doanh nghiệp; Điều tra vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm soát ở Ngân hàng SCB; Quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng; Điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý của Lan; Xác minh tài sản của 5 bị cáo đang bị truy nã.[57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ án Vạn Thịnh Phát https://vnexpress.net/chu-tich-tap-doan-van-thinh-... https://vnexpress.net/cong-an-tp-hcm-xac-minh-hon-... https://hanoimoi.vn/ong-nguyen-cao-tri-bi-bat-vi-c... https://vietnamfinance.vn/news-20180504224287767.h... https://congan.com.vn/tin-chinh/kien-quyet-dan-do-... https://congthuong.vn/ngan-hang-nha-nuoc-de-xuat-t... https://thanhnien.vn/ba-truong-my-lan-la-ai-185150... https://vietnamnet.vn/van-thinh-phat-cua-dai-gia-t... https://theleader.vn/tiet-lo-tinh-hinh-tai-chinh-c... https://laodong.vn/phap-luat/he-sinh-thai-van-thin...